CHÚA NHẬT
23 THƯỜNG NIÊN A
Ed 33,7-9;
Rm 13,8-10; Mt 18,15-20
SỬA
LỖI TRONG CỘNG ĐOÀN
I.
HỌC LỜI CHÚA
1.
TIN MỪNG: Mt 18,15-20
(15) Nếu
người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một
mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món
lợi là người anh em mình. (16) Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy
đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn
cứ vào hai hoặc ba chứng nhân. (17) Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi
thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó
như một người ngoại hay một người thu thuế. (18) Thầy bảo thật anh em:
dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như
vậy. Dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo
cởi như vậy. (19) Thầy còn bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai
người trong anh em họp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng
ngự trên trời, sẽ ban cho. (20) Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân
danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ”.
2.
Ý CHÍNH: NẾP SỐNG CỦA MỘT CỘNG ĐOÀN KI-TÔ HỮU.
Các thành viên trong Cộng đoàn
Hội thánh phải tế nhị sửa lỗi cho nhau và cầu nguyện chung với nhau:
Khi có ai sai lỗi, thì cần sửa lỗi qua 4 bước như sau: Trước hết phải
gặp riêng nhắc nhở kẻ có lỗi. Nếu họ không nghe thì sẽ đưa thêm hai
nhân chứng. Nếu họ vẫn cố chấp thì sẽ đem họ ra trước Cộng đoàn.
Nếu họ không nghe Cộng đoàn thì sẽ kể họ như người ngoại và phó
thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện nếu muốn được
Chúa nghe thì cần cầu chung giữa Cộng đoàn, vì Chúa Giê-su hứa sẽ luôn
hiện diện khi có hai ba người hiệp lời cầu xin nhân danh Người.
3.
CHÚ THÍCH:
-
C 15-16: + Người anh em: Anh em nói đây là anh
em cùng một Cộng đoàn đức tin (x. Mt 23,8; 28,10). + Phạm tội: Không nhất
thiết phải là tội phạm đến người sửa lỗi, nhưng là những lỗi nặng
nề, công khai, gây gương mù gương xấu và làm tổn thương cho Cộng đoàn.
Câu này cho thấy Hội Thánh không chỉ bao gồm những người hoàn thiện,
mà còn có cả những tội nhân nữa. + Hãy đi sửa lỗi nó: Ở đây Đức
Giê-su dạy phải đi sửa lỗi cho kẻ có tội do đòi hỏi của đức bác
ái. Vì mỗi thành viên trong Cộng đoàn đều có trách nhiệm liên đới
với đời sống đạo đức của anh em mình. Sự sửa lỗi này không mâu
thuẫn với lời dạy về việc phải tránh xét đoán anh em và đừng đòi
lấy cái rác ra khỏi mắt anh em, đang khi có cả cái xà trong mắt mình
(x. Mt 7,1-5). Như vậy sửa dạy không phải là sự khiển trách hay la
mắng miệt thị, mà là do tình yêu thương thúc bách. Cần tạo điều
kiện để tội nhân tự nhận ra lỗi của mình và thành tâm sám hối. +
Một mình anh với nó mà thôi: Đây là sửa lỗi cá nhân, nhằm tôn
trọng và giữ thể diện cho kẻ có tội. Nếu cách này không hiệu quả
thì mới sử dụng các cách khác. + Được món lợi là người anh em mình:
Món lợi ở đây không có nghĩa là “có lời” thêm được một người bạn
hay là chiến thắng được một đối thủ. Nhưng là giúp cho Hội Thánh
khỏi bị mất đi một thành viên. + Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy
đem theo một hay hai người nữa: Chỉ thị này nhấn mạnh đến sự
kiên nhẫn phải có đối với những tội nhân bướng bỉnh cố chấp. Việc
đem theo một hay hai người nữa là để giúp tội nhận ý thức hơn về
tội của mình, như luật Mô-sê dạy: “Một nhân chứng duy nhất không thể
đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào. Phải căn cứ
vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl
19,15). Tuy nhiên, chỉ thị của Đức Giê-su nói đây không phải là nhân
chứng buộc tội, nhưng là những người trợ lực có uy tín, để giúp
tội nhân dễ dàng sửa lỗi.
-
C 17-18: + Đi thưa Hội thánh: vì Hội thánh đã được
Chúa ban cho quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 18,18). Đưa ra Hội
Thánh không phải để xét xử, nhưng để tội nhân có dịp tỏ lòng sám hối
để được tha. + Kể nó như một người ngoại: Nếu kẻ có tội cố chấp
không muốn ở trong Hội Thánh, thì sẽ được kể là “dân ngoại hay người
thu thuế”, nghĩa là người đang lầm lạc về đức tin và luân lý. Từ nay
Hội Thánh không còn trách nhiệm trực tiếp đối với họ nữa và chỉ
còn biết phó thác họ cho lòng thương xót của Thiên Chúa. +
Dưới đất anh em cầm buộc những điều gì: Đức Giê-su trao cho
Nhóm Mười Hai cũng một thứ quyền cầm buộc và tháo cởi như đã ban
cho Phê-rô trước đó (x. Mt 16,19). Nhờ đó, Hội Thánh có thể thiết lập
luật lệ cho các tín hữu. Khi trao quyền cầm buộc tháo cởi cho Nhóm
Mười Hai, Đức Giê-su không bãi bỏ quyền của Phê-rô để ban lại cho Hội
Thánh. Nhưng Người chỉ muốn các môn đệ liên kết với Phê-rô là đầu. +
Dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì…: Mọi phán quyết của
Hội thánh về đức tin và luân lý được Công Đồng Chung bàn thảo biểu
quyết và được Đấng kế vị thánh Phê-rô chính thức công bố ở trần
gian, thì sẽ được ơn bất khả ngộ và được phê chuẩn ở trên trời như
lời Chúa hứa.
-
C 19-20: + Nếu ở dưới đất, hai người
trong anh em họp lời cầu xin bất cứ điều gì: Lời cầu nguyện riêng
của mỗi người trong phòng kín là cách cầu nguyện khiêm tốn đẹp lòng
Chúa (x. Mt 6,6). Nhưng lời cầu nguyện chung của Cộng đoàn càng đẹp
lòng Chúa hơn và dễ được chấp nhận hơn. Cầu nguyện chung là một
phương thức duy trì đức ái và sự hiệp nhất của Cộng đoàn. Khi hội
họp, các tín hữu cần lưu ý hai điều quan trọng: một là phải hội
họp trong tình bác ái và hiệp nhất. Hai là phải nhân danh Đức Giê-su,
nghĩa là nhằm xây dựng Hội thánh, làm cho Tin mừng của Chúa Giê-su
ngày một lan rộng. + Vì ở đâu có hai ba người họp lại
nhân danh Thầy: Đây không phải là họp nhau để ăn nhậu mang tính
thế tục, nhưng nhân danh Chúa Giê-su, để được nghe lời Người dạy dỗ nhờ
ơn Thánh thần soi sáng hướng dẫn. + Có Thầy ở đấy với họ: Trong
thời Cựu ước, Đức Chúa luôn hiện diện giữa dân Người qua hình cột
mây đậu trên Nhà Tạm che nắng ban ngày và cột lửa chiếu sáng vào ban
đêm (x. Xh 40,34-38). Người cũng hứa sẽ hiện ra nói với dân Ít-ra-en
trên nắp thi ân của Hòm Bia Giao Ước (x. Lv 16,2). Đến thời Tân Ước,
không những Đức Giê-su hứa sẽ hiện diện mỗi khi Cộng đoàn họp nhau
cầu nguyện, mà cả những khi họ họp nhau nhân danh Người. Người hiện
diện để giúp họ xây dựng tình yêu thương hiệp nhất, sửa lỗi cho nhau,
hòa giải những bất hòa chia rẽ và duy trì sự hiệp thông giữa Cộng
đoàn.
4.
CÂU HỎI:
1) Phải
chăng Nước Trời là Hội thánh trần gian chỉ gồm những thành phần tốt
lành thánh thiện?
2) Các tín hữu cần đối xử thế nào đối với
những thành viên mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng?
3) Cần phải sửa lỗi
cho nhau qua mấy bước thế nào?
4) Tại sao ta phải đi thưa kẻ có tội
với Hội Thánh ?
5) Hội thánh ra vạ tuyệt thông cho những loại tội
nhân nào và ra vạ nhằm mục đích gì?
6) Phải chăng ở đây khi cũng
trao cho Nhóm Mưới Hai quyền cầm buộc và tháo cời (x Mt 18,18), Chúa
Giê-su đã gián tiếp truất quyền đã trao cho Tông đồ Phê-rô trước đó (x
Mt 16,19)?
7) Tại sao lời cầu nguyện chung của Cộng đoàn lại có giá
trị hơn lời cầu nguyện riêng của cá nhân trong phòng kín?
8) Đức
Giê-su hứa sẽ hiện diện giữa Cộng đoàn trong những trường hợp nào ?
LM
ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét