Hôm ấy, mười một môn đệ Đức
Giê-su đã trở về Ga-li-lê như Chúa Phục Sinh đã hẹn qua bà Ma-ri-a
Mác-đa-la (x.Mt 28,10). Trong cuộc gặp gỡ đó, Đức Giê-su đã nói với
các môn đệ ba điều như sau:
- Một là:
Người đã được trao “Toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18): Điều này nhắc chúng
ta nhớ lại khi Đức Giê-su bị cám dỗ, tên cám dỗ đã nói với người
rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy
tôi” (Mt 4,9). Nhưng Người đã không theo lời xúi giục của nó. Bây giờ,
Chúa Cha đã ban cho Người chẳng những các nước thế gian, mà còn có
“toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18).
- Hai là:
Người ra lệnh cho các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở
thành môn đệ”
(Mt 28,19): Trong thời gian giảng
đạo, Đức Giê-su dạy các ông chỉ đi loan báo Tin Mừng cho dân Ít-ra-en,
vì đây là dân Chúa chọn có quyền ưu tiên (x. Mt 10,5-7). Nhưng bên cạnh
đó, Người cũng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại và làm phép lạ cứu
giúp những ai đặt trọn niềm tin nơi Người. Chẳng hạn: Viên đại đội trưởng
ngoại giáo có đức tin mạnh đã được Người chữa cho đầy tớ của ông
khỏi bệnh tê liệt (x. Mt 8,5-13); Người đàn bà Ca-na-an có đức tin
mạnh đã được Đức Giê-su trục xuất quỷ ra khỏi đứa con gái của bà
(x. Mt 15,28).
- Ba là:
Người hứa “sẽ ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20): Ngày xưa Đức Chúa đã hứa ở với Mô-sê khi sai ông
đi cứu dân Ít-ra-en khỏi tay Pha-ra-ô của Ai-Cập như sau: “Ta sẽ ở với
người” (Xh 3,12). Ngày nay, Đức Giê-su cũng hứa ở cùng các môn đệ để
giúp các ông chu toàn nhiệm vụ được Người trao phó. Cũng như Mô-sê xưa
nhờ được Đức Chúa hiện diện phù giúp đã đưa được dân Ít-ra-en thoát
cảnh nô lệ cho dân Ai-Cập về tới Hứa Địa, thì nay với sự hiện diện
của Chúa Phục Sinh, các môn đệ cũng sẽ thành công trong sứ mệnh “đi
và làm cho muôn dân trở thành môn đệ Người”.
2)
TRUYỀN GIÁO LÀ RA ĐI, LẮNG NGHE , VÀ CHIA SẺ NIỀM VUI ƠN CỨU ĐỘ:
Nhân ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, Đức
Phan-xi-cô đã dựa theo sách Công Vụ Tông Đồ dạy về tiến trình ba bước loan báo
Tin Mừng nhờ ơn Thánh Thần, qua câu chuyện tông đồ Phi-líp-phê thực hiện với viên
thái giám người xứ Ê-thi-ô-pi như sau:
-Bước một:
“Hãy đứng lên và ra đi”:
Thần Khí ra lệnh cho ông Phi-lip-phê:
“Hãy đứng lên và ra đi” (x. Cv 8,26) . Ngày nay, để trung thành với huấn lệnh
của Chúa, Hội Thánh cũng phải lắng nghe huấn lệnh của Chúa Giê-su với ơn Thánh
Thần thôi thúc, để ra đi loan báo Tin Mừng. Một Hội Thánh không “đứng lên và ra
đi” là một Hội Thánh đang suy yếu bệnh tật.
- Bước hai: “Hãy
lắng nghe sự thao thức của tha nhân” và chia sẻ niềm vui của Tin Mừng:
Thần Khí ra lệnh cho ông Phi-líp-phê chạy
theo xe ngựa của quan thái giám người Ê-thi-ô-pi. Ông quan này đã đi hành hương
Giê-ru-sa-lem và đang trên đường về quê nhà. Ông đang đọc đoạn sách ngôn sứ I-sai-a.
Khi thấy Phi-líp-phê chạy theo xe mình, viên thái giám liền dừng xe mời ông lên
xe với mình. Trong câu chuyện, theo yêu cầu của viên thái giám, Phi-líp-phê đã trình
bày về Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai cho ông. Nhờ được Thần Khí tác động, viên
thái giám đã tin vào lời Phi-lip-phê giảng và khi xe ngang qua chỗ có nước, ông
đã yêu cầu được nhập đạo. Ông tuyên xưng đức tin vào Đức Giê-su Ki-tô là Con
Thiên Chúa, và được Phi-lip-phê làm phép rửa dìm mình trong nước. Sau đó, Thần
Khí đã đưa Phi-líp-phê rời đi nơi khác, còn viên thái giám lại tiếp tục cuộc
hành trình về quê nhà trong niềm hân hoan (x. Cv 8,27-40).
Ngày nay Hội Thánh cũng cần phải lắng
nghe sự thao thức của con người thời đại để biết họ nghĩ gì muốn gì, rồi tìm
cách đáp ứng bằng cách chia sẻ niềm vui ơn cứu độ của Chúa cho họ.
Tóm lại Đức Phan-xi-cô đã khuyên các
tín hữu hãy truyền giáo bằng ba việc: “Hãy đứng lên và ra đi; Hãy lắng nghe thao
thức của tha nhân; Hãy chia sẻ niềm vui Tin Mừng của Chúa cho họ”.
3)
TRUYỀN GIÁO CHÍNH LÀ TRUYỀN NGỌN LỬA YÊU THƯƠNG
- Trong đêm Vọng Phục Sinh, lòng nhà
thờ hoàn toàn chìm trong bóng tối. Thế rồi, từ cuối nhà thờ, Nến Phục Sinh được
thắp sáng lên và được long trọng rước lên cung thánh. Linh mục chủ sự lấy lửa
từ Nến Phục Sinh thắp lên cho một vài cây nến nhỏ bé khác trên tay vài người.
Những người nầy lại đem lửa phục sinh thắp lên cho người bên cạnh và cứ tiếp
tục như thế, chẳng mấy chốc, cả ngàn cây nến nhỏ của các tín hữu tham dự đều
được thắp lên.
- Loan Tin Mừng cũng là thắp lên lửa
yêu thương cho người quanh ta. Lửa đức tin, lửa yêu thương đã được Chúa Giê-su
thắp lên trong ta, thì đến lượt mỗi chúng ta cũng hãy thắp lửa đức tin, lửa yêu
thương ấy cho người bên cạnh và công việc truyền lửa nầy cần được tiếp nối
không ngừng.
- Thánh Tê-rê-sa Can-quýt-ta cũng cho
rằng truyền giáo là chia sẻ tình thương. Mẹ không rao giảng Phúc Âm bằng lời
nhưng bằng những tâm tình và cử chỉ yêu thương cụ thể. Mẹ cũng không chủ trương
yêu thương chung chung, nhưng là yêu thương từng người cụ thể ngay ở bên mình.
Mẹ nói: “Đối với chúng tôi, điều quan
trọng là từng người một. Để thương yêu một người thì phải đến gần người ấy… Tôi
chủ trương một người đến với một người. Mỗi một người đều là hiện thân của Đức
Ki-tô… Người đó phải là người duy nhất trên thế gian mà ta cần yêu thương trọn
vẹn trong giây phút đó.”
Với tâm tình nầy, Mẹ Tê-rê-sa đã thu
phục nhân tâm nhiều người trên thế giới. Cũng bằng phương thức nầy, Giáo Hội
Hàn Quốc đã làm gia tăng gấp đôi số tín hữu chỉ trong vòng mười năm!
Theo gương Mẹ Têrêxa, mỗi một người
công giáo nên kết thân với một người lương, coi người đó như anh em ruột thịt
và đem hết lòng yêu thương người đó.
Mỗi gia đình công giáo nên kết thân
với một gia đình lương dân, coi họ như người thân quyến của mình để sẵn sàng
chia ngọt sẻ bùi; Khi có kỵ giỗ, cưới xin hay lễ lạc gì trong gia đình, hãy mời
họ cùng đến hiệp thông. Nhờ đó hai bên thắt chặt mối giây thân ái và nhờ đó, Tin
Mừng của Chúa Ki-tô sẽ chiếu sáng như ánh nến trong đêm Vọng Phục Sinh.
4)
CỤ THỂ CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ ? :
- Đừng
“đứng nhìn lên trời”:
Hãy xuống núi để chu toàn sứ mệnh loan báo Tin Mừng bằng việc ăn ở công minh chính
trực, chu toàn bổn phận đối với Thiên Chúa và tha nhân. Nhất là bằng
thái độ biết nghĩ tới người khác và đáp ứng nhu cầu của họ, khiêm
nhường phục vụ những người đau khổ bất hạnh. Ngoài ra còn phải dấn
thân đến với những anh em chưa biết Chúa, để hợp tác cải thiện xã
hội và sãn sàng chia sẻ “Chúa là Tình Yêu” cho tha nhân.
-
Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ : Ngày nay, khi lãnh nhận phép
rửa tội và thêm sức, chúng ta cũng đón nhận ánh sáng Tin Mừng và có
sứ mệnh chiếu ánh sáng đức tin trong môi trường sống là khu xóm, trường
học, chợ búa, cơ quan xí nghiệp, và hết mọi nơi. Chu toàn sứ mệnh sống
chứng nhân, chia sẻ niềm tin về Chúa Giê-su đã chết và sống lại.
-
Hãy lãnh nhận Thánh Thần (x. Ga 20,21-22): Sứ mệnh truyền giáo thật là
khó khăn như kinh nghiệm của Hội Thánh suốt hơn hai mươi thế kỷ qua đã
chứng minh. Để giúp Hội Thánh chu toàn sứ mệnh truyền giáo, Đức Giê-su đã hứa
ban Thánh Thần để giúp Hội Thánh hiểu biết sự thật toàn vẹn (x. Ga
16,7.13). Vào buổi chiều ngày phục sinh, Đức Giê-su đã hiện đến với các môn đệ
và sai các ông giống như Chúa Cha đã sai Người. Người thổi hơi ban Thần Khí
cho các ông và phán : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Người hiện ra nhiều
lần để củng cố đức tin cho các ông. Rồi vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đã tác
động như cơn gió bão ùa vào nhà tiệc ly và đổ ơn Thánh Thần trên đầu mỗi vị (x.
Cv 2,1-4). Nhờ ơn Thánh Thần soi dẫn phù trợ mà chỉ sau một bài giảng
của Tông đồ Phê-rô, đã có tới ba ngàn người tại Giê-ru-sa-lem xin nhập
đạo (x. Cv 2,41).
-
Hãy kết nghĩa với lương dân:
Năm 1983, khi thánh Giáo Hoàng Gio-an
Phao-lô II đi thăm Giáo Hội Hàn quốc và tấn phong 103 thánh tử đạo người nước
này, thì Giáo Hội Hàn quốc mới chỉ có 3 triệu rưỡi tín hữu. Khi ấy Đức Hồng Y
Stephano Kim đã hứa với Đức Thánh Cha sẽ đẩy mạnh công việc truyền giáo bằng
hoạt động cụ thể như sau: mỗi gia đình Công giáo Hàn quốc cần kết nghĩa với một
gia đình lương, và mỗi tín hữu Hàn quốc cần có ý hướng truyền giáo cho một anh
chị em ngoài Công giáo.
Sự kết nghĩa thiêng liêng thể hiện
bằng việc âm thầm cầu nguyện cho anh em lương dân, năng đến thăm giúp đỡ để gây
thiện cảm với họ và tìm dịp thuận tiện giới thiệu Chúa cho họ. Chính công việc
này đã mang lại kết quả tốt đẹp: Chỉ sau 10 năm, số tín hữu công giáo Hàn quốc
đã tăng lên gấp đôi !
Ngày nay, nếu chúng ta quyết tâm chu toàn sứ mệnh truyền giáo và áp
dụng các phương thế của các môn đệ thời Hội Thánh Sơ Khai là: cộng tác
với ơn Thánh Thần, hăng hái ra đi loan báo Tin Mừng bằng lời nói và bằng lối sống
yêu thương cụ thể… thì chắc chắn chúng ta sẽ chu toàn được sứ mệnh truyền
giáo như sau : “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19); “Hãy
nên chứng nhân của Thầy… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
4.
THẢO LUẬN:
1) Đối với
những “Ki-tô hữu vô danh” là những người đã có đức tin và muốn theo
đạo, nhưng vì hoàn cảnh như là con trai trưởng phải lo cúng giỗ cha
mẹ, nên chưa thể gia nhập đạo ngay, chúng ta nên làm gì để giúp họ sống
đức tin vào Chúa ?
2) Nếu họ
chết khi chưa chịu phép rửa tội, thì họ có được ơn cứu độ không ? (x.
Lc 23,40-43).
5.
NGUYỆN CẦU:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con, nếu
Hội Thánh được ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội
Thánh không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Đó là Trái
Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu. Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt
động. Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu, thì các tông đồ sẽ ngừng rao
giảng, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu, cuối cùng con đã tìm thấy
ơn gọi của con, ơn
gọi của con chính là tình yêu. Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội Thánh: nơi
Trái Tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu, và như thế con sẽ là tất cả, vì tình
yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh. Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho
con, mọi ước mơ của con được thực hiện. (Theo thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su).
X) HIỆP CÙNG
MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM
ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét