11 tháng 2, 2018

BỆNH CÙI THẾ XÁC VÀ TÂM HỒN



HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CN VI THƯỜNG NIÊN B
Lv 13,1-2.45-46; 1 Cr 10,31-11,1; Mc 1,40-45
XIN ƠN CHỮA LÀNH 
1. TIN MỪNG: Mc 1,40-45.

(40) Có người bị phong hủi đến gặp Người. Anh ta quì xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. (41) Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh ta và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi!”. (42) Lập tức chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. (43) Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay (44) và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”. (45) Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.

2. Ý CHÍNH: CHỮA LÀNH PHONG HỦI, DẤU CHỈ TRIỀU ĐẠI THIÊN SAI.

Với tư cách là Đấng Thiên Sai, Đức Giê-su đã cảm thông với nỗi bất hạnh của một người phong cùi, tượng trưng cho người tội nhân có lòng sám hối ăn năn. Do tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai giàu tình yêu thương và đầy quyền năng, anh cùi đã can đảm chạy đến với Người, quì xuống trước mặt Người và kêu xin Người thương chữa anh được lành sạch. Trước thái độ khiêm tốn và lòng tin cậy phó thác lớn lao như vậy, Đức Giê-su đã chạnh lòng thương, đưa tay ra chạm vào người anh và lập tức anh được lành bệnh.

3. CHÚ THÍCH:

- (c 40-42): + Có người bị phong hủi: Luật Mô-sê qui định: vì phong hủi là bệnh nan y và hay lây, nên những ai mắc phải bệnh này đều phải rời bỏ gia đình, sống thành nhóm riêng ở nơi hoang vắng như trong nơi nghĩa trang chôn cất người chết. Mỗi khi thấy có người nào đến gần, bệnh nhân phải la lên: “Ô uế! Ô uế!”, để người ta biết mà tránh xa ra. Luật cũng cấm những sự đụng chạm tiếp xúc với người phong hủi. Người ta sẽ lập tức bị ô uế nếu đứng gần nói chuyện hay đụng chạm tới họ. Do đó số phận của người cùi hủi vốn đã bị đau khổ do bệnh tật và thiếu thốn các nhu cầu vật chất tối thiểu, lại càng bất hạnh hơn về tinh thần do bị cô đơn. Dân Do Thái quan niệm bệnh phong hủi là hình phạt của Thiên Chúa dành cho những tội nhân phản nghich với Ngài như bà Mi-ri-am là chị ông Mô-sê đã bị Chúa phạt bị bệnh cùi vì đã chống đối Mô-sê (x. Ds 12,14). 

 + Đến gặp Người: Người bệnh phong hủi ở đây bất chấp sự cấm đoán của luật pháp, do tin cậy vững vàng vào lòng từ bi nhân hậu của đức Giê-su, nên thay vì tránh xa thì anh lại chạy đến gần để gặp Người. + “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”: Đây là một lời cầu nguyện hoàn hảo đẹp lòng Chúa, vì nó biểu lộ lòng tin cậy phó thác của bệnh nhân vào Đức Giê-su. Anh ta không đòi Đức Giê-su chữa bệnh theo ý muốn của anh, mà để Người tự do hành động theo ý muốn của Người. + Người chạnh lòng thương: Chính thái độ khiêm tốn, đầy lòng cậy trông và phó thác ấy đã khiến Đức Giê-su chạnh lòng xót thương anh và chữa cho anh lành bệnh. + Giơ tay đụng vào anh ta: Giơ tay đụng vào người phong cùi là vi phạm Luật Mô-sê. “Đụng vào” cũng có thể hiểu là sự “đặt tay trên đầu bệnh nhân”, một cử chỉ Đức Giê-su thường làm khi đặt tay chúc lành cho trẻ em (x. Mc 10,16), đặt tay chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Lc 4,40 ; Mc 16,18). Qua cử chỉ đặt tay trên người phong cùi này, Đức Giê-su đã thông ban sinh lực của Người để chữa bệnh cho anh. Tuy nhiên Đức Giê-su không phá hủy Luật Mô-sê, nhưng để kiện toàn những gì sai sót (x. Mt 5,17). + “Tôi muốn. Anh hãy sạch đi: Lời nói biểu lộ ý muốn của Đức Giê-su đã lập tức sinh hiệu quả, khiến bệnh phong biến mất và bệnh nhân được lành sạch.

- (c 43-44): + “Đừng nói gì với ai cả...”: Đức Giê-su cấm người phong hủi nói ra ơn lành bệnh lạ lùng mà Người vừa làm cho anh. Lý do của lệnh cấm này là vì Người sợ dân Do Thái đang trong tâm trạng nôn nóng mong Đấng Thiên Sai mau đến để đánh đuổi quân Rô-ma, sẽ làm hỏng sứ mạng cứu thế về thiêng liêng tinh thần theo thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu yêu cầu kẻ Ngài tẩy sạch khỏi bệnh phong cùi làm một việc hoán cải nghiêm túc và rõ rệt. Sự thinh lặng mà anh ta phải giữ về biến cố anh được chữa lành sẽ ngăn cản anh khỏi gán cho mình công trạng của việc thanh tẩy này, hoặc dùng nó để thu hút sự chú ý đến mình. Sự thinh lặng sẽ gìn giữ anh khỏi chơi trò anh hùng, điều này sẽ gây ra kiêu ngạo và phát sinh tội lỗi nữa.

+ hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền: Việc truyền cho anh cùi trình diện với tư tế và dâng lễ vật theo Luật Mô-sê nhằm để xác minh việc anh được khỏi bệnh và được quyền sinh hoạt lại với cộng đoàn.
 (c 45): + Anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi: Do lòng biết ơn thôi thúc, người vừa khỏi bệnh cùi không cầm lòng được lâu, nên đã loan truyền phép lạ được khỏi bệnh đi khắp nơi. + Đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được...: Dân chúng nghe biết Đức Giê-su chữa được bệnh phong cùi, đã nô nức đi tìm kiếm Người, phần để thỏa mãn sự tò mò, phần để được Người chữa lành bệnh. Vì sợ dân chúng đi theo quá đông gây ồn ào ảnh hưởng đến an ninh chính trị khiến quân Rô-ma có cớ can thiệp, nên Đức Giê-su đã không vào thành. Người chỉ giảng dạy và chữa bệnh tại những nơi vắng vẻ bên ngoài thành phố (1,45). Qua đó cho thấy ai đã thực sự gặp được Đức Giêsu và được Người “chữa lành”, thì sẽ đương nhiên “rao giảng về Đức Giêsu” khiến “nhiều người khác cũng đến gặp Người”. Chính niềm vui và hạnh phúc được khỏi bệnh đã thúc bách anh cùi mở miệng để chia sẻ cho tha nhân, giống như về sau, khi bị Thượng Hội Đồng Do thái cấm rao giảng danh Đức Giê-su, hai Tông đồ Phê-rô và Gio-an đã đáp lại như sau: "Chúng tôi không thể không nói lên những điều mắt thấy tai nghe" (Cv 4,20). 

4. CÂU HỎI: 
1) Hãy cho biết Luật Mô-sê qui định thế nào về cách đối xử với bệnh nhân phong cùi? 
2) Tại sao người phong hủi trong Tin Mừng hôm hay cố tình vi phạm Luật khi đến gần Đức Giê-su thay vì lẽ ra phải tránh xa? 
3) Lời nói nào cho thấy lòng tin cậy phó thác của người cùi đối với Đức Giê-su? 
4) Đức Giê-su làm cử chỉ nào để chữa lành người cùi? 
5) Khi chạm tay vào người cùi, Đức Giê-su có vi phạm Luật Mô-sê không? Người muốn nói lên lập trường của Người thế nào đối với Lề Luật? 
6) Tại sao Đức Giê-su cấm người cùi nói ra phép lạ chữa bệnh phong cùi mà Người vừa thực hiện? 
7) Tại sao người cùi đã bỏ ngoài tai để mở miệng rao truyền ơn lành đã nhận được?
LM ĐAN VINH - HHTM

Không có nhận xét nào: