HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN
A
1 V 3,5.7-12; Rm 8,28-30;
Mt 13,44-52
KHÔN
NGOAN TỪ BỎ CỦA CẢI ĐỜI NÀY LẤY NƯỚC TRỜI ĐỜI SAU
I.
HỌC LỜI CHÚA
1.
TIN MỪNG: Mt 13, 44-52
(44)
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người
kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả
những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. (45) Nước Trời lại giống như
một thương gia đi tìm ngọc đẹp. (46) tìm được một viên ngọc quý, ông
ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. (47) Nước
Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được
đủ thứ cá. (48) Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt
cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. (49) Đến ngày tận
thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách
biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính. (50) Rồi quăng chúng
vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. (51) Anh em
có hiểu tất cả những điều ấy không ? “Họ đáp: Thưa hiểu”. (52) Người
bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước
Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình
cả cái mới lẫn cái cũ”.
2.
Ý CHÍNH:
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su
tiếp tục dùng ba dụ ngôn là Kho Báu, Ngọc Quý và Lưới Cá, nhằm
trình bày những khía cạnh khác nhau của Nước Trời mà Người sắp
thiết lập: Nước Trời có giá trị thiêng liêng giống như một kho báu hay
một viên ngọc quý giá, mà người khám phá ra, sẽ bằng lòng hy sinh mọi
thứ mình có ở đời này để mua lấy Nước Trời có giá trị vĩnh hằng ấy. Vào
ngày tận thế, chỉ những tín hữu sống đức tin cậy mến, giống như những con cá
tốt, mới được tiếp nhận, còn những kẻ bất tín gian ác, giống như loài cá xấu,
sẽ bị loại khỏi Nước Trời.
3.
CHÚ THÍCH:
- C 44: + Nước Trời giống như: Không phải Nước Trời được so sánh
với kho tàng châu báu, nhưng giống như thái độ của người khám phá ra
giá trị của kho báu. + Kho báu chôn giấu trong ruộng:
Dân Do Thái luôn bị các nước lớn chung quanh như Ai Cập, Át-si-ri,
Ba-by-lon… xâm lược và cướp bóc tài sản, nên họ thường đào hố chôn
giấu vàng bạc châu báu trong ruộng của mình. Về sau, thỉnh thoảng có
người đã đào được những kho báu chôn giấu như thế. + Có người kia gặp được thì
liền chôn giấu lại: Luật La Mã và Do thái thời bấy giờ cho phép
ai tìm thấy tài sản trên đất của mình thì có quyền sở hữu. Ở đây
người nông dân này không có quyền sở hữu đất ruộng mà anh đang cày
thuê, nên anh ta vội vã chôn vùi lại để tránh bị kẻ khác biết, rồi
tìm cách mua thửa ruộng ấy để có thể công khai chiếm hữu kho báu
kia. Ở đây kho báu được tình cờ tìm thấy, cho thấy việc khám phá ra
Nước Trời là một ơn cho không của Thiên Chúa. + Rồi vui mừng đi bán tất cả
những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy: Kho báu kia quý giá
đến nỗi đã thôi thúc anh đánh đổi mọi cái đang có. Cũng vậy, Nước
Trời do Đức Giê-su thiết lập cũng là một kho báu thiêng liêng, mà khi
khám phá ra, người ta sẵn sàng hy sinh từ bỏ mọi sự để có được
Nước Trời ấy.
Tóm lại: Nước Trời đòi người ta
phải đáp trả cách trọn vẹn, sẵn sàng hy sinh bản thân (x. Mt 16, 24),
tình cảm gia đình (x. Mt 10, 37), chấp nhận mất mát cả những bộ phận
cơ thể quý giá như mắt, tay, chân (x. Mt 18, 8-9), và ngay cả mạng sống
của mình nữa (x. Mt 10,39) để có được Nước Trời làm gia nghiệp. Dù
hy sinh như vậy nhưng người ta vẫn không bị thiệt, mà trái lại sẽ
được lợi gấp trăm ở đời này và còn được hưởng hạnh phúc Nước Trời
đời sau (x. Mt 19, 28-29).
- C 45-46: + Giống như chuyện một
thương gia: Dụ
ngôn không nhằm so sánh Nước Trời với viên ngọc đẹp, mà nhấn mạnh
tới hành động của người thương gia sau đó. + Đi tìm ngọc đẹp: Thời
xưa, ngọc trai là một vật rất được ưa chuộng. Chúng được các thợ
lặn mò từ đáy biển Đỏ, vịnh Ba Tư hay Ấn Độ Dương. Các hạt ngọc trai
này được kết thành tràng chuỗi đeo nơi cổ. + bán tất cả những gì mình
có mà mua viên ngọc ấy: Sau nhiều vất vả học hỏi giáo lý và
gặp được Chúa, các tín hữu sẽ noi gương các môn đệ xưa, sẵn sàng từ
bỏ mọi sự để đi tu làm linh mục phục vụ dân Chúa, tận hiến cuộc đời
trong tu viện để ngày một nên hòan thiện, hoặc sẵn sàng hy sinh mọi đam mê
lạc thú đời này để có Nước Trời làm phần gia nghiệp muôn đời.
- C 47-48: + Giống như chuyện chiếc
lưới: Nước Trời
không giống như lưới cá, nhưng được so sánh với toàn bộ công việc thả
lưới bắt cá. + Thả xuống biển: Lưới đây ám chỉ Hội Thánh, biển là
trần gian, ngư phủ thả lưới là Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sai Đức Giê-su
đến thiết lập Hội Thánh để ban ơn cứu độ cho loài người. +
Gồm được đủ thứ cá: Đủ thứ cá tốt và cá xấu. Trong Hội
Thánh cũng có cả người tốt lẫn kẻ xấu. + Lưới đầy người ta kéo lên
bãi: Đến ngày tận thế, mọi kẻ chết sẽ được Chúa cho sống
lại để chịu phán xét chung. + Cá tốt cho vào giỏ: Cá tốt
là loại cá mà luật Mô-sê cho phép ăn là “những loài cá có vây và
có vẩy” (Đnl 14,9). Ở đây cá tốt ám chỉ người lành. Họ sẽ được thu
nhận vào giỏ thiên đàng. + Cá xấu thì vứt ra ngoài: Cá
xấu là loại cá mà luật Mô-sê cấm ăn là “những loài không có vây và
không có vẩy” (Đnl 14,10). Ở đây cá xấu ám chỉ những kẻ làm tay sai
của ma qủy và cố tình làm điều gian ác.
- C 49-50: + Các thiên thần sẽ xuất
hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi
quăng chúng vào lò lửa…:
Đến ngày tận thế, sẽ không còn cảnh vàng thau lẫn lộn: Kẻ dữ sẽ
bị loại bỏ khỏi Nước Trời, và sẽ bị phạt trong hỏa ngục. Ở đó họ
sẽ phải khóc lóc đau khổ trong sự nghiến răng hận thù.
- C 51-52: + Bất cứ kinh sư nào đã
được học hỏi về Nước Trời:
Kinh sư là thày dạy về kinh thánh Cựu Ước, nay họ lại được nghe Đức
Giê-su giảng về màu nhiệm Nước Trời của Tân Ước. + Thì cũng giống như chủ nhà
kia…: Tất cả những ai nghe và hiểu tường tận về mầu nhiệm
Nước Trời, thì sẽ biết sử dụng những điều mới và cũ đã nghe để
ứng dụng vào việc rao giảng Tin Mừng. Chính nhờ hiểu biết Luật Mô-sê
mà các môn đệ sẽ dễ dàng hiểu biết những lời Đức Giê-su rao giảng và
biết được ý nghĩa của những lời tuyên sấm Cựu Ước đã được ứng
nghiệm nơi Người.
4.
CÂU HỎI:
1)
Ba dụ ngôn về Nước Trời được trình bày trong Tin Mừng hôm nay là gì ?
2) Ý nghĩa của hai dụ ngôn đầu thế nào ?
3) Thái độ của người nông dân khi tìm thấy kho báu chôn giấu trong thửa ruộng đang cày ra sao ? Anh ta làm như vậy nhằm mục đích gì ?
4) Cá tốt cá xấu trong dụ ngôn lưới cá ám chỉ những ai ?
2) Ý nghĩa của hai dụ ngôn đầu thế nào ?
3) Thái độ của người nông dân khi tìm thấy kho báu chôn giấu trong thửa ruộng đang cày ra sao ? Anh ta làm như vậy nhằm mục đích gì ?
4) Cá tốt cá xấu trong dụ ngôn lưới cá ám chỉ những ai ?
LM ĐAN VINH - HHTM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét